Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
TUYÊN TRUYỀN NHÂN NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 20-10-2024

GỢI Ý MỘT SỐ NỘI DUNG CÓ LỢI HƠN ĐỐI VỚI

LAO ĐỘNG NỮ TRONG QUÁ TRÌNH ĐỐI THOẠI TẠI NƠI LÀM VIỆC

Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Trích Sổ tay công tác nữ công năm 2024

 

Để hỗ trợ các công đoàn cơ sở lựa chọn nội dung đối thoại với người sử dụng lao động nhằm chăm lo, đại diện, bảo vệ tốt hơn cho lao động nữ trong thời gian tới, Ban Nữ công Tổng Liên đoàn tổng hợp một số chế độ, chính sách có lợi hơn cho lao động nữ để các doanh nghiệp trên toàn quốc nghiên cứu, tham khảo:

I. MỘT SỐ NỘI DUNG CHUNG

1. Về cơ chế tuyển dụng, đào tạo, tiền lương được đảm bảo bình đẳng

Thực hiện chính sách tuyển dụng công bằng, không phân biệt giới tính (không đề cập đến giới tính trong quảng cáo tuyển dụng; không tìm hiểu về khả năng làm việc ngoài giờ, tình trạng hôn nhân, tình trạng sinh đẻ, không được yêu cầu thử thai đối với ứng viên nữ...vv). Ưu tiên tuyển dụng, sử dụng lao động nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; ưu tiên tái ký hợp đồng lao động đối với lao động nữ khi hợp đồng lao động hết hạn.

- Thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ được tính vào thâm niên công tác để thực hiện các chế độ lương, thưởng, phụ cấp, đào tạo và cơ hội thăng tiến; xác định tỷ lệ nữ trong cơ cấu lãnh đạo từ cấp phòng, ban, phân xưởng .. trở lên

- Chế độ đào tạo thêm nghề dự phòng cho lao động nữ với đặc điểm cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ. Thực hiện các chế độ trợ cấp như: trợ cấp đi lại, nhà ở, sản niên, nuôi con nhỏ, hỗ trợ chỉ phí gửi trẻ, mẫu giáo.... Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật.

2. Về đảm bảo điều kiện, môi trường làm việc cung cấp đầy đủ thông tin cho người lao động về những công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.

-Doanh nghiệp đầu tư cơ sở văn hóa, thể thao, y tế, nhà ở phục vụ cho người lao động.

Xây dựng các chương trình phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe ở nhiều giai đoạn khác nhau cho toàn bộ công nhân lao động và thêm những chương trình hướng đến lao động nữ từ lúc trong độ tuổi sinh sản, hôn nhân, mang thai, nuôi con nhỏ...

- Có phòng vắt trữ sữa cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ tại doanh nghiệp, phòng có không gian riêng, hợp vệ sinh, dành riêng cho lao động nữ, có thiết bị chứa sữa mẹ sạch sẽ, có bồn rửa, tài liệu hướng dẫn... Có phòng vắt trừ sữa ở doanh nghiệp sử dụng dưới 1000 lao động nữ.

- Đảm bảo đầy đủ phòng tắm, nhà vệ sinh theo đúng quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và cơ sở có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp.

- Khám sức khỏe định kỳ (mức khám, thời gian khám, nơi khám, danh mục khám, khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ), khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

- Thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ nhiều hơn, linh hoạt hơn so với quy định của pháp luật (30 phút/ ngày, tối thiểu 03 ngày) mà vẫn được hưởng lương.

3. Về thực hiện chính sách thai sản

- Lao động nữ trong thời gian mang thai. Chấp hành tốt nội quy lao động được tái ký hợp đồng lao động khi hết hạn; không trừ tiền chuyên cần; phát thẻ ưu tiên không cần xếp hàng khi ăn cơm hoặc nghỉ sớm để ăn cơm, ra về sớm so với lao động khác; thêm khẩu phần ăn cho phụ nữ mang thai, cung cấp ghế ngồi, chỗ nghỉ trưa.... được nghỉ đi khám thai nhiều hơn quy định; khám thai hưởng nguyên lương, được nghỉ thai sản sớm trước 1 tháng vẫn hưởng nguyên lương. Được bố trí công việc hợp với tuổi thai, được đi làm hành chính khi mang thai đến tháng thứ 5 và được bố trí ngồi làm việc.

- Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi: Được nghỉ chăm con bổ sung cho vợ/ chồng từ 1 đến 3 tháng nếu có nhu cầu (ngoài chế độ nghỉ thai sản trung bình 6 tháng cho lao động nữ); Thời gian nghỉ để cho con bú, vắt trữ sữa mẹ nhiều hơn, linh hoạt hơn so với quy định của pháp luật (60 phút/ngày) mà vẫn được hưởng lương.

- Áp dụng thời gian làm việc linh hoạt và /hoặc địa điểm làm việc linh hoạt cho lao động nữ trong vòng 1 đến 2 năm sau khi sinh.

- Cam kết bảo đảm việc làm cũ cho lao động nữ khi trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản.

- Thực hiện nội quy lao động: giảm mức xử lý kỷ luật, chưa xử lý kỷ luật, thời gian kỷ luật, thời gia làm việc đối với một số trường hợp đặc biệt như lao động nữ trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ….

4. Về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

- Thường xuyên giám sát việc thực thi các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục và các quy trình giải quyết về quấy rối tình dục.

- Tổ chức ít nhất 01 lần/năm tuyên truyền kiến thức, nâng cao nhận thức cho người lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

- Quy trình giải quyết khiếu nại, kiến nghị: Xây dựng quy trình không chính thức và quy trình chính thức để giải quyết khiếu nại/tố cáo.

5. Về những nội dung khác liên quan đến việc chăm lo cho lao động nữ và trẻ em

Ngoài những nội dung cơ bản có lợi cho lao động nữ đã nêu trên, cán bộ công đoàn cơ sở có thể nghiên cứu những hoạt động chăm lo tốt hơn cho lao động nữ và trẻ em con công nhân, lao động như đề nghị người sử dụng lao động hỗ trợ những gia đình lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các cháu con công nhân lao động bị bệnh hiểm nghèo hoặc hỗ trợ học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó, tặng quà các cháu nhân dịp trung thu, ngày Tết thiếu nhi, tặng quà các cháu đạt thành tích cao trong học tập...

II. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ

1. Khi tiến hành đối thoại công đoàn cơ sở nên đưa nội dung “Tái kí kết hợp đồng lao động đối với lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi khi hợp đồng lao động hết hạn” vào nội dung đối thoại để đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ và trẻ em. Trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp lao động nữ thuộc đối tượng này phải nghỉ việc do thời hạn của hợp đồng lao động kí kết giữa 2 bên đã hết hạn và người sử dụng lao động (NSDALĐ) không vi phạm việc đơn phương chấm dứt (Mặc dù theo quy định tại Khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động quy định trường hợp này lao động nữ được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới nhưng không phải là quy định bắt buộc đối với NSDLĐ).

2. Lao động nữ khi mang thai được đi khám thai 5 lần trong thai kì mà vẫn hưởng nguyên lượng do Bảo hiểm xã hội chi trả. Khi đàm phán với NSDLĐ, công đoàn cần đưa thêm nội dung với những trường hợp lao động nữ khi đi khám thai vẫn được doanh nghiệp trả lương và không bị trừ chuyên cần hoặc được đi khám thai nhiều hơn số lần theo quy định của pháp luật lao động.

3. Phát thẻ ưu tiên cho lao động nữ mang thai được hưởng 1 số ưu đãi:

- Về sớm 5-10 phút để tránh chen chúc

- Được nghỉ sớm, ăn ca sớm hơn

- Được phát ghế ngồi đặc thù trong dây chuyền sản xuất đứng liên tục.

- Được tăng thêm khẩu phần ăn.

- Lao động nữ mang thai cuối thai kì được nghỉ trước 5-10 ngày mà vẫn hưởng nguyên lương.

- Được nghỉ ngắn 15 phút mỗi ngày hoặc 1 tháng nghỉ 1 ngày

4. Lao động nam được nghỉ nhiều hơn 7 ngày khi vợ sinh con mà công ty vẫn trả nguyên lương (Theo Luật được nghỉ 5 ngày trong trường hợp vợ sinh thường và được hưởng lương do bảo hiểm chi trả)

5.Hỗ trợ tiền (tùy khả năng của công ty mà có các mức khác nhau) cho người lao động khi nghỉ sinh con.

6.Tạo điều kiện cho người lao động nghỉ không thương lượng khi sinh con sau khi đã nghỉ hết thời gian quy định mà vẫn đảm bảo việc làm cho họ.

7. Đối với lao động nữ nuôi con nhỏ: Trợ cấp hàng tháng về nhà trẻ, mẫu giáo; dồn thời gian nghỉ hàng ngày khi con dưới 12 tháng tuổi với những người nhà xa, tính toán trả tiền làm thêm giờ (chứ không phải tiền lương bình thường) cho những lao động nuôi con dưới 12 tháng tuổi nếu không nghỉ 1 giờ/ngày. Trường hợp này cũng có thể áp dụng đối với lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ 30 phút/ngày, 1 tháng 3 ngày mà không nghỉ. Hiện tại đã có doanh nghiệp tính cho lao động nữ là 4 ngày, cao hơn luật 1 ngày.

8. Lao động nữ hàng tháng được hỗ trợ tiền kinh nguyệt.

9. Lao động nam, nữ thực hiện kế hoạch hóa gia đình được hưởng lương do doanh nghiệp chi trả (ngoài lương do bảo hiểm chi trả).

10. Khi lao động nữ có con nhỏ bị ốm dài ngày: Một số doanh nghiệp đã cho nghỉ 60 ngày/năm mà vẫn hưởng nguyên lương.

11. Tổ chức ngày hội gia đình trong doanh nghiệp.

12. Giỗ đầu bố, mẹ được nghỉ 1 ngày vẫn hưởng lương.

13. Ăn sáng hỗ trợ 50%, 70%, 80%, 100% tùy điều kiện doanh nghiệp, có thể khởi đầu đối với lao động nữ mang thai.

14. Ưu tiên phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 7 tuổi không phải làm ca đêm

15. Với những ngành nghề dịch vụ, thường xuyên phải tiếp xúc khách hàng ngoài việc chú trọng đào tạo các lớp nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cần quan tâm tổ chức các lớp dạy trang điểm, lựa chọn trang phục làm việc của chị em phù hợp với đặc thù công việc

16. Nghiên cứu đề xuất, phối hợp với NSDLĐ tổ chức các buổi dã ngoại, trại hè tạo sân chơi gắn kết các con công nhân lao động, hoặc tổ chức các buổi tham quan nhà máy, cơ quan nơi bố mẹ các cháu làm việc để các cháu hiểu hơn công việc của bố mẹ để thấu hiểu, gắn kết hơn các thành viên trong gia đình hoặc tạo động lực để các cháu nỗ lực học tập, sau này tiếp nối công việc của bố mẹ

17. Thường xuyên rà soát, phát hiện những khó khăn, bất cập của người lao động để chủ động hỗ trợ giải quyết. Ví dụ: đề xuất với NSDLĐ tạo điều kiện cho những người lao động bị bệnh hiểm nghèo có thời gian và công việc tốt nhất để có thể vừa làm việc vừa điều trị bệnh, bộ phận lao động nữ tuổi ngoài 45 mắt kém, thao tác chậm có thể được sắp xếp, bố trí làm những công việc đơn giản nhất phù hợp với khả năng và sức khỏe của họ./…